Trong cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”, GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, đã dành nhiều thời gian để nói về ngành công nghiệp cơ khí Nhật Bản, một trong những động lực quan trọng nhất để giúp đất nước mặt trời mọc có giai đoạn tăng trưởng thần kỳ, vượt lên hàng nước phát triển của thế giới.
Ngay từ những năm 1940, ngành công nghiệp cơ khí ở Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm từ tàu thủy, tàu hỏa, máy móc, trang thiết bị, cấu kiện xây dựng… đóng góp phần lớn vào sự phát triển của công nghiệp nước này. Cũng nhờ vậy mà sau này, Nhật Bản phát triển những doanh nghiệp hùng mạnh trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, sản xuất phương tiện giao thông…
GS Trần Văn Thọ đánh giá công nghiệp cơ khí là một trong những ngành công nghiệp mang tính nền tảng, đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong phát triển của mỗi quốc gia, Việt Nam có thể coi đây là một bài học cho sự phát triển của mình.
Nhiều quốc gia chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí
Cơ khí là quá trình tạo cho chi tiết có hình dạng, kích thước hoặc tính chất xác định, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật dựa trên các nguyên lý khoa học và công nghệ. Nói cách khác, từ những nguyên liệu đầu vào nhất định, công nghiệp cơ khí sẽ biến nó thành chi tiết hữu ích.
Như vậy, muốn tạo ra sản phẩm cơ khí, từ nguyên vật liệu phải trải qua một quá trình gia công chế tạo để thành chi tiết. Những chi tiết này lắp ráp với nhau sẽ tạo thành sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh. Các sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh có thể là các sản phẩm, công cụ, phương tiện, máy, thiết bị… mà con người sử dụng hàng ngày.
Bên trong một nhà máy cơ khí ở Nhật Bản. Ảnh: Nikkei. |
Bởi vậy, cơ khí đóng một vai trò quan trọng trong các công nghệ sản xuất, từ ôtô, máy bay đến tủ lạnh. Công nghiệp cơ khí mang lại nhiều công nghệ hữu ích cho xã hội, nó giúp con người năng suất hơn, các hoạt động lao động và sinh hoạt trở nên nhẹ nhàng hơn.
Ví dụ, để sản xuất một chiếc xe máy cần hàng nghìn chi tiết cơ khí khác nhau để lắp ghép lại. Từ vành, khung, động cơ, lan hoa, vô lăng, đinh vít, ốc vít... Đây đều là những sản phẩm của công nghiệp cơ khí. Chiếc xe máy sẽ giúp con người đi lại thuận tiện, dễ dàng, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy vậy, để có thể phát triển lĩnh vực cơ khí, đòi hỏi sự hiểu biết về các lĩnh vực cốt lõi bao gồm cơ học, động lực học, nhiệt động lực học, khoa học vật liệu, phân tích cấu trúc và điện. Giống như để chế tạo được một chiếc động cơ xe máy đòi hỏi các kiến thức về nhiệt động lực học. Người kỹ sư cũng phải có kiến thức chuyên sâu về vật liệu, tìm loại nào phù hợp để làm động cơ.
Vì sự quan trọng này, nhiều quốc gia trên thế giới coi phát triển công nghiệp cơ khí là mũi nhọn, đóng vai trò nền tảng bậc nhất để hiện thực hóa quá trình công nghiệp hóa, vươn lên trong phát triển. Điển hình như từ rất sớm, nước Anh đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp đóng tàu, chế tạo máy. Những sản phẩm nổi tiếng của Anh là những đầu máy hơi nước, toa xe, những tàu thủy lớn nhất thế giới.
Tương tự, Đức đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo máy. Nước này nổi tiếng với các hãng xe ôtô hàng đầu thế giới. Nhật Bản nổi tiếng với công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị chuyên dụng, sản xuất các đoàn tàu cao tốc.
Công nghiệp cơ khí cũng là yếu tố nền tảng để giúp các ngành khác phát triển. Điển hình như để có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cơ khí thì cần có ngành vật liệu phát triển. Ví dụ như sản xuất máy bay thì cần có các vật liệu siêu bền, được sản xuất bởi các nhà luyện kim, nhà phát triển hàng đầu…
Việt Nam mới tự cung ứng được 30% sản phẩm cơ khí
Nhận thấy sự quan trọng của ngành cơ khí, ngay sau khi đổi mới, Việt Nam đã có chủ trương phát triển mạnh ngành này. Nguyên phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng khẳng định ngành cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa như Việt Nam.
Trước đây, ngành cơ khí Việt Nam chỉ có vài xưởng quân cụ chuyên sửa chữa xe quân sự, vũ khí, máy bay tàu hải quân, vài xưởng cơ khí chuyên cán, kéo sắt ri, xưởng sửa chữa nhỏ của tư nhân chuyên sửa chữa ôtô, xe máy, tàu thuyền… tập trung rải rác trên khắp các tỉnh thành cả nước.
Hiện tại, đã có 30.000 doanh nghiệp cơ khí trên cả nước, doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng, tạo ra 1,2 triệu việc làm. Công nghiệp cơ khí trong nước đã sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho tất cả các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu trong nước và bước đầu vươn ra thị trường nước ngoài.
Hiện tại, Việt Nam đã có 30.000 doanh nghiệp cơ khí trên cả nước, doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng, tạo ra 1,2 triệu việc làm. Ảnh: Việt Linh. |
Đáng chú ý cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ôtô Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) với sự thích ứng linh hoạt, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu của Thaco Auto (thuộc Thaco) tăng về lượng lẫn giá trị. Đối với thị trường trong nước, Thaco Auto đã phát triển sản phẩm phù hợp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng và cơ khí cho nhiều hãng ôtô, xe máy và các doanh nghiệp FDI, như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio, Amann, Makitech…
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương, công nghiệp cơ khí tuy có bước phát triển, nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được trên 30% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp. Thậm chí, công nghệ ở nhiều doanh nghiệp lạc hậu 2-3 thế hệ so với thế giới. Nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, giá thành cao, sức cạnh tranh của của sản phẩm thấp, chưa có sản phẩm cơ khí chủ lực.
Theo tính toán, hàng năm, đất nước phải nhập khẩu khối lượng lớn máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu cho sản xuất của các ngành kinh tế trong nước, cho sản xuất hàng xuất khẩu (chiếm 40-50% tổng kim ngạch xuất khẩu). Ngoài ra, 70% số máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp là nhập khẩu.
Luyện kim mới chủ yếu sản xuất được thép phục vụ xây dựng, chưa sản xuất được thép để chế tạo máy móc. Công nghiệp điện tử phát triển nhanh nhưng rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị sản xuất lớn.
Động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, với đất nước có gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6-6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 300 tỷ USD, quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD.
“Đó là thị trường mơ ước đủ lớn, để phát triển ngành cơ khí chế tạo và cũng là nguồn tài nguyên của đất nước cần ưu tiên cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, không thể để cho doanh nghiệp nước ngoài thao túng”, Hiệp hội nhận định.
Dự báo quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ Công Thương khẳng định công nghiệp cơ khí chế tạo là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Hiện tại, Nhà nước đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển ngành cơ khí. Bộ Công Thương cho rằng thời gian tới cần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, công nghệ khuyến khích chuyển giao thuộc ngành cơ khí như công nghệ nhiệt luyện.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Xuất Nhập Khẩu Liên Thành, Thành lập tháng 4 năm 2016, với ý nghĩa Liên kết để cùng tạo nên Thành công, là một công ty chuyên cung cấp chuỗi dịch vụ tổng hợp cho các nhà máy gia công cơ khí chính xác CNC, như chi tiết, khuôn mẫu,.. Trong bối cảnh phát triển ngày càng...